nha-mang-can-duoc-bao-ve-khoi-su-bung-cuoc
Trong thời kỳ công nghệ phát triển như hiện nay, việc sử dụng mạng internet để học tập, công việc và giải trí hàng ngày là điều tất yếu. Hiện internet đã có mặt tại hầu hết các khu vực huyện, quận trên cả nước. Băng thông internet tiếp tục lan rộng ra các vùng nông thôn để phục vụ cho mọi người dân.

Di theo với việc phát triển công nghệ là tình trạng giảm giá, câu kéo, cướp khách hàng của nhau trên thị trường băng rộng đã dẫn đến hệ lụy khách hàng xoay vòng chuyển mạng và gia tăng nạn bùng cước, nợ cước của các doanh nghiệp viễn thông. Thậm chí tỷ lệ bùng cước viễn thông trong giới sinh viên lên tới 70%.


Cạnh tranh đã tạo ra một sự phát triển ngoạn mục cho thị trường viễn thông trong 5 năm trở lại, tuy nhiên theo ý kiến của nhiều người, đã đến lúc nhìn lại một góc độ khác về cạnh tranh trên thị trường băng rộng.

Ông Hoàng Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc FPT Telecom cho rằng, hiện đa số các doanh nghiệp Internet cơ bản câu kéo khách hàng bằng cách giảm giá, cho không, biếu không. Điều này không chỉ diễn ra trong các doanh nghiệp mới tham gia thị trường như SCTV, VTVcab mà ngay cả các doanh nghiệp viễn thông cũ cũng đều dùng chiêu giảm giá để cạnh tranh. Cạnh tranh diễn ra giữa các doanh nghiệp cũ với doanh nghiệp mới, giữa doanh nghiệp viễn thông và truyền hình.

Tình trạng giảm giá, cạnh tranh cướp khách hàng của nhau dẫn đến không có sự khác biệt giữa giá cả và chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp. Khách hàng quay vòng giữa nhà mạng này sang nhà mạng khác để hưởng khuyến mãi, khiến cho tỷ lệ khách hàng rời mạng trong các doanh nghiệp đều tăng cao.

“Bây giờ không phải cần tạo sự bình đẳng trong cung cấp dịch vụ giữa các doanh nghiệp nữa, mà các doanh nghiệp cần được bảo vệ khỏi nạn bùng cước, nợ cước khi khách hàng chuyển sang nhà mạng khác. Điều này xảy ra ở hầu hết các nhà mạng”, ông Kiên nói.

Cũng theo ông Kiên, ở một số nước một sinh viên ở nước ngoài trốn một cái vé, hoặc bỏ một chiếc vé ở ở tầu điện ngầm sẽ không được tốt nghiệp hoặc bị ghi nhận xét xấu vào hồ sơ suốt cuộc đời. Nếu áp dụng chính sách như ở nước ngoài thì đảm bảo số lượng sinh viên tốt nghiệp ở Việt Nam giảm đi khoảng 70% vì bùng cước, nợ cước viễn thông.

“Tuy số tiền nợ cước, bùng cước trên mỗi hóa đơn rất nhỏ thôi, nhưng tôi nói ra điều này mong muốn các bạn sinh viên cần tôn trọng luật pháp, tôn trọng hợp đồng đầu tiên. Tôi rất mong giữa Bộ TT&TT cần có sự phối hợp với các nhà trường với doanh nghiệp để phổ biến cho các sinh viên cần tôn trọng pháp luật, để có thể tạo ra một thế hệ trẻ biết tôn trọng pháp luật, chấp hành đúng những cam kết khi ký hợp đồng với doanh nghiệp”, ông Kiên phát biểu.

Trước những trăn trở của FPT Telecom, nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho rằng, phần nội dung quy định về đảm bảo môi trường cạnh tranh trong Luật Viễn thông còn rất hạn chế, do đó sắp tới cần phải bổ sung những văn bản dưới Luật để đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng.

Trên thị trường băng rộng hiện nay, không chỉ cạnh tranh nhau gay gắt về giá cước, các nhà mạng cũng không ngồi yên để người dùng tự tìm đến mình, nhiều trang web do các đại lý trung gian lắp đặt Internet thi nhau được lập ra, cùng với nhiều chiêu trò để lôi kéo khách hàng, kể cả việc quảng cáo bằng từ khoá, so sánh trực tiếp với các đối thủ, lập “tài khoản ảo” trên các diễn đàn mạng để nâng nhà mạng mình lên, và “dìm” đối thủ xuống.

Ồ ạt khuyến mại, giảm giá cước cũng gây tác động nhất định, khiến khách hàng tìm đủ mọi cách, hoặc có cơ hội là rời mạng.

Bà Chu Thanh Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT Telecom trong cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm của Bộ TT&TT, đã không ngần ngại đưa ra kiến nghị về việc xây dựng giá cước sàn hợp lý đối với các doanh nghiệp viễn thông, tránh việc cạnh tranh quá mức làm ảnh hưởng đến thị trường dẫn đến việc các thuê bao rời mạng liên tục, lãng phí tài nguyên.

Nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cũng lên tiếng cảnh báo về việc phá giá trên thị trường băng thông rộng, trong đó có việc các nhà mạng đang ồ ạt khuyến mại tăng cước, tặng thiết bị đầu cuối và khuyến mại công lắp đặt.

Nguyên Thứ trưởng Lê Nam Thắng cũng cho rằng, điều này làm người dùng thấy cái lợi trước mắt, chuyển qua, chuyển lại giữa các nhà mạng để hưởng khuyến mại, gây nên sự lãng phí tài nguyên vô cùng lớn và méo mó thị trường, đến khi những doanh nghiệp yếu thế “chết” thì lúc đó lại nẩy sinh nên vấn đề độc quyền và lúc này thiệt hại người dùng sẽ lãnh đủ.

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *