goc-nhin-van-hoa-nhat-ban-qua-fpt

Nhật Bản là một trong những cường quốc công nghệ có tốc độ phát triển kinh tế một cách thần kỳ. Trong thời kỳ hội nhập, người FPT cần phải có những thay đổi để tiếp thu và hòa nhập với thế giới. Trong đó, nét văn hóa Nhật Bản là một trong những đích đến không thể thiếu của công cuộc toàn cầu hóa tại FPT.  

Đôi nét đặc biệt về Nhật Bản trong quá trình giao lưu, tiếp xúc nơi công sở với những người ở đất nước mặt trời mọc qua góc nhìn của Nguyễn Thị Vân Anh, Ban Văn hóa – Đoàn thể FPT.


Việt Nam có mối thiện cảm rất tốt đẹp với người Nhật Bản. Chúng ta vẫn đánh giá nước Nhật là một trong những tấm gương lớn trong việc xây dựng và chấn hưng đất nước. Dù đều mang nét văn hoá Á châu nhưng giữa nền văn hoá Việt Nam và Nhật Bản vẫn có những điểm khác biệt nhất định. Trong bối cảnh hiện nay, kinh tế thế giới khủng hoảng, đất nước gặp nhiều khó khăn, người Việt buộc phải có những thay đổi căn bản và quyết liệt. Việc nhìn nhận một cách khách quan những nét đặc sắc trong văn hóa Nhật, đặc biệt là văn hóa công sở, sẽ giúp chúng ta có cái nhìn thực tiễn để bắt đầu cho sự đổi mới sâu sắc, xây dựng một nền văn hóa Việt Nam ngày càng tiên tiến, đáp ứng nhu cầu thực tiễn mà vẫn đảm bảo các giá trị truyền thống cốt lõi: Hòa nhập nhưng không hòa tan.

Thường xuyên sử dụng từ “Cảm ơn” và “Xin lỗi”

Điểm đặc biệt đầu tiên của người Nhật trong giao tiếp công sở là cách sử dụng từ “cảm ơn”, “xin lỗi” thường xuyên. Điều đó được xuất phát từ cách giáo dục trẻ em Nhật. Ngay từ nhỏ, trẻ em Nhật đã được giáo dục để nói lời cảm ơn, lời xin lỗi, cách ứng xử giao tiếp, đi đường cho đúng, ý thức giữ gìn vệ sinh xung quanh. Phương pháp giáo dục này giúp định hình cách suy nghĩ và ứng xử đúng đắn của người Nhật cho đến lúc trưởng thành.

Rất nhiều người Việt bất ngờ khi chứng kiến người Nhật nói lời cảm ơn và xin lỗi khá nhiều. Họ không hiểu tại sao người Nhật lại “thích” dùng những từ đó đến thế, bởi có những trường hợp hoàn toàn không cần thiết, có khi còn khá ngược đời. Ví dụ, khi đi lại trong văn phòng, do không để ý bạn vô tình va phải một người khác. Lúc đó, bạn sẽ nhận được một câu xin lỗi từ chính người mà bạn vừa va phải. Nếu là ở Việt Nam, người phải xin lỗi luôn chính là bạn. Đó là khác biệt rất lớn.

Nhật Bản là một dân tộc mà ở đó mối quan hệ giữa người với người luôn được coi trọng. Người Nhật có tinh thần tập thể rất lớn, họ sống không chỉ vì mỗi lợi ích cá nhân mà còn sống cho người khác, sống cho xã hội. Do vậy, người Nhật luôn cố gắng duy trì mối quan hệ tốt đẹp với những người xung quanh. Trong khi đó, người Việt ngày nay luôn trọng cái “tôi”, đề cao bản thân, không thích làm những chuyện gây tổn hại tới danh dự cá nhân. Việc nói xin lỗi, cảm ơn như một sự hạ thấp mình. Tất nhiên, nói vậy không có nghĩa là người Việt không bao giờ nói “cảm ơn”, “xin lỗi”, mà ở đây bài viết xét về mức độ cũng như phạm vi đối tượng sử dụng cụ thể.

Cách lựa chọn trang phục trong môi trường công sở

Điểm đặc biệt thứ hai trong ứng xử nơi công sở của người Nhật là cách lựa chọn trang phục. Người Nhật rất để ý đến hình ảnh bản thân mỗi khi xuất hiện. Trong môi trường công sở, người Nhật ăn mặc chỉnh tề, áo sơ mi và quần đen cùng thắt cà vạt. Điều đó thêm một lần khẳng định phong thái nghiêm túc cũng như chỉn chu của nguời Nhật trong giao tiếp hằng ngày, đặc biệt là giao tiếp nơi công sở.

Thái độ chỉn chu, sự kỹ lưỡng khi tổ chức các cuộc họp

Phong thái nghiêm túc, sự chỉn chu trong công việc của người Nhật còn được thể hiện qua sự chuẩn bị kỹ càng trong các cuộc họp. Trước khi bước vào các cuộc họp có tính chất quan trọng, người Nhật đều chuẩn bị giấy tờ tư liệu sẵn sàng ở vị trí chỗ ngồi của từng thành viên trong cuộc họp. Bên cạnh đó, khi vào cuộc họp, thường sẽ có một người được giao nhiệm vụ chuẩn bị các bản báo cáo và đọc nội dung đó cho mọi người cùng nghe, với mục đích đảm bảo nội dung được đầy đủ và thuận lợi trong việc kiểm soát thời gian. Khi kết thúc cuộc họp, biên bản sẽ được phát tận tay mọi người với các công việc được phân công cụ thể cho từng đối tượng.

Ngoài ra, người Nhật rất coi trọng ngôi thứ nên chỗ ngồi khi tham gia các cuộc họp quan trọng sẽ được sắp xếp theo vị trí xã hội của những người tham gia. Theo nguyên tắc chung, người có vị trí cao nhất từ phía chủ nhà sẽ ngồi ở đầu bàn. Sau đó, những người khác sẽ ngồi chỗ của mình theo sự sắp xếp của những người tổ chức cuộc họp.

Văn hóa xếp hàng trong môi trường công sở

Văn hóa xếp hàng cũng là điểm tiêu biểu của người Nhật. Xếp hàng ở Nhật Bản là một sinh hoạt rất thường nhật nên người tham gia xếp hàng không hề cảm thấy nặng nề, mà xem đó như một phần của cuộc sống. Họ có thể vui vẻ, cười đùa và tán gẫu với nhau trong những lúc phải xếp hàng quá lâu. Một du học sinh tại Nhật chia sẻ rằng: “Tại Nhật, bạn có thể ngẫu nhiên nhìn thấy hình ảnh xếp hàng của người Nhật, từ ngã tư sang đường, trạm chờ xe bus, ga tàu điện ngầm, cửa hàng, xếp hàng chờ cơm… nhưng tuyệt nhiên không thấy một người Nhật nào cảm thấy khó chịu khi phải xếp hàng chờ đợi”.

Tôi từng được chứng kiến văn hóa xếp hàng của người Nhật khi còn là thực tập sinh tại một công ty Nhật có chi nhánh ở Việt Nam. Mỗi lần có một đoàn cán bộ từ Nhật sang, nhìn cách xếp hàng chờ vào thang máy rất nghiêm túc và không hề có chút khó chịu của họ. Văn hóa xếp hàng của người Nhật thể hiện ý thức rất lớn trong việc ứng xử văn minh.

Tinh thần tập thể, tương trợ lẫn nhau và hết lòng vì công việc

Trong văn hóa công sở, người Nhật đi làm luôn sớm hơn và về muộn hơn so với thời gian hoạt động chính thức của công ty. Thông thường, thời gian thường sớm hơn giờ hoạt động của công ty khoảng 15 phút và về sau giờ làm khoảng 30 phút đến một giờ. Ngay cả khi về đến nhà nhưng ở công ty có công việc đột xuất, người Nhật vẫn sẵn sang quay lại công ty để giải quyết vấn đề theo chỉ đạo của lãnh đạo.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Phú Bình, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, chia sẻ: “Trong công việc, Người Nhật có tinh thần tương trợ trong công việc rất cao. Người Nhật rất biết cách phối hợp làm việc với nhau. Họ giỏi không ở những cá nhân xuất thần, mà là giỏi tập thể, giỏi phối hợp, đoàn kết với nhau cùng làm việc”.

Khi có một vấn đề nào đó xảy ra trong quá trình làm việc, người Nhật thường không tìm cách đổ lỗi hoặc tự tìm cách che giấu lỗi lầm đó. Ngược lại, họ sẽ nhanh chóng báo cáo với cấp trên, liên lạc với những đối tượng liên quan để cùng bàn cách xử lý, cho đến khi nào vấn đề được giải quyết ổn thỏa thì thôi.

Ý thức tiết kiệm, tránh lãng phí 

Tính tiết kiệm cũng là một đức tính rất đáng quý của người Nhật. Điều này được thể hiện rất rõ ngay cả ở những điều nhỏ nhặt nhất trong môi trường công sở, như có những người Nhật tắt màn hình máy tính ngay cả khi họ ra ngoài trong khoảng thời gian 30 giây. Sau khi kết thúc các buổi họp, một vài người Nhật sẽ mang theo chai nước uống dở của họ bởi họ sẽ tự buộc mình phải uống cạn chai nước ấy. Người Nhật từ lâu đã nổi tiếng với đức tính tiết kiệm này, trẻ con từ bé đã được giáo dục ý thức tiết kiệm. Nếu chỉ một người tiết kiệm trong khi cả xã hội lãng phí thì chẳng có ý nghĩa gì. Nhưng nếu cả xã hội, cả dân tộc đều tiết kiệm thì điều đó sẽ có ý nghĩa lớn vô cùng.

Tính đúng giờ, nghiêm túc và cẩn thận

Nhắc đến văn hóa công sở của người Nhật, không thể không nhắc đến tính đúng giờ – đó là nhận định mà hầu hết người nước ngoài đều đưa ra khi tiếp xúc với người Nhật. Khi bạn sắp xếp một cuộc hẹn với người Nhật, bạn sẽ luôn thấy họ đến trước giờ hẹn ít nhất 5 phút. Thói quen đó được bắt đầu từ sự giáo dục tại nhà trường, ăn sâu vào mỗi cá nhân và dần trở thành một quy tắc ngầm, một ý thức cơ bản. Người Nhật luôn tránh làm phiền người khác. Do vậy, tới trễ hẹn được coi là hành vi thiếu lịch sự, làm tổn hại tới người khác. Việc đúng giờ là điều nên làm trong mọi tình huống.

Với bất kỳ một dự án nào, trước khi bắt tay vào làm, người Nhật Bản luôn xem xét kỹ lưỡng về kế hoạch tổng thể để thực hiện toàn bộ công việc sao cho tròn trịa. Cụ thể, họ sẽ xác định mục tiêu, nguồn nhân lực, quy trình áp dụng, thời gian thực hiện mỗi công đoạn, kết quả cuối cùng, từ đó hoạch định các chiến lược để thực hiện.

Niềm đam mê, sự nỗ lực trong công việc

Ngoài ra, một trong những “bản sắc” của người Nhật luôn tìm cách biến công việc thành niềm vui. Người Nhật khi đã làm gì thì rất yêu thích công việc đó. Họ luôn nỗ lực để thực hiện công việc đó với chất lượng cao nhất.

Còn có rất nhiều ưu điểm nổi bật trong văn hóa công sở của người Nhật như tinh thần coi trọng sự cải tiến, tính cần cù tỉ mỉ, ý thức được sự quan trọng của hoạt động tập thể, thái độ tôn trọng và học hỏi người đi trước… Việc nghiên cứu và học hỏi văn hóa Nhật Bản giúp ích cho con đường nghiên cứu và phát triển văn hóa doanh nghiệp người Việt trong thời kỳ hội nhập năm châu.

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *